24 đặc sản Hà Nội – Cập nhật 2017

Đăng ngày 25/01/2024

Đặc sản Hà Nội đặc trưng bởi vị thanh, ngọt, nhẹ nhàng như phong thái người Tràng An xưa nay. Song cùng với sự phát triển về mọi mặt, ẩm thực Hà Nội cũng du nhập những tinh hoa của nhiều vùng miền trên cả nước, biến đổi theo phong cách riêng. Những món ăn nổi tiếng và phổ biến nhất ở Hà Nội gồm có: Phở, bún chả, chả cá Lã Vọng, nộm bò khô, các món ăn từ vịt, kem Tràng Tiền, ốc luộc, chân gà nướng, bún ốc, nem tai Bà Hồng…

1. Bánh gối Hà Thành

Những chiếc bánh hình bán nguyệt bắt mắt lại nhỏ xinh như mà có sức hút mãnh liệt đến kỳ lạ. Bánh gối là kết hợp của vị giòn vỏ bánh, vị thơm, ngon của nhân, bánh ăn ngay khi còn nóng mới ngon – đó cũng chính là lý do khiến loại bánh này chỉ bán chạy mỗi khi trời lạnh.

Dù chỉ là món ăn vặt, nhưng để làm chiếc bánh gối thơm ngon cũng khá cầu kỳ, bởi nguyên liệu cần nhiều thứ, trước hết là bột mì dùng làm vỏ bánh. Bột mì trộn với nước, nhào kỹ, cán mỏng thành lớp vỏ mịn, dẻo mà không nát. Nhân bánh gối cũng khá kỳ công với một hỗn hợp gồm nhiều nguyên liệu khác nhau như: thịt lợn xay, trứng gà, miến, mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu, gia vị. Ngoài ra, tùy theo khẩu vị có thể cho thêm các loại rau như su hào, cà rốt hay củ đậu thái hạt lựu nhỏ vào lẫn với nhân.

Khi nguyên liệu đã chuẩn bị xong thì tiến hành gói bánh. Đây là công đoạn quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo, bánh không chỉ cần ngon mà còn cần phải đẹp, hấp dẫn ngay từ cái nhìn. Bánh nặn xong cho vào chảo dầu sôi rán vàng đều hai mặt. Ăn kèm với món này không thể thiếu thứ nước chấm chua ngọt, hơi cay thêm cà rốt, đu đủ thái lát cùng đĩa rau sống đầy hấp dẫn.

Những chiếc bánh hình bán nguyệt bắt mắt lại nhỏ xinh

Nhớ những tối mùa đông lạnh buốt, ba đứa rồng rắn rủ nhau đi ăn bánh gối, bánh rán, thứ bánh ăn một miếng mà ấm từ trong ra ngoài.

Lưu ý: Nói chung các món bánh chiên, rán thường nhiều dầu mỡ, để tránh ngấy, các bạn nên ăn kèm với rau sống.

Địa chỉ ăn bánh gối ở Hà Nội

  • Quán bánh gối Lý Quốc Sư: Số 52 Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quán bánh gối, bánh rán nổi tiếng, không gian quán không rộng lắm, phục vụ nhanh, bánh gối giòn, nước chấm vừa miệng, tuy nhiên một suất ăn hơi ít.
  • Quán bánh tôm, bánh gối: Số 25 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ở đây có hai quán bán bánh gối, bánh tôm đều ở trong ngõ, theo mình thấy thì quán ở bên phải từ đầu ngõ vào đông khách và ăn ngon hơn. Ngoài bánh gối thì quán còn phục vụ các món khác như cút lộn, nem chua rán, bánh tôm… Giá cả hợp lý.

2. Phở cuốn Ngũ Xá

Nhắc đến đặc sản Hà Nội không thể không nhắc đến phở cuốn ngũ xá. Không biết món phở cuốn Hà Nội có từ khi nào, chỉ biết rằng đây là món ăn xuất phát từ phố Ngũ Xã, cạnh hồ Trúc Bách, vốn nổi tiếng với nghề đúc đồng nhưng lâu nay bị thu hẹp rồi, thay vào đó là khu phố mới với nhiều món ăn nổi tiếng, đặc biệt là phở cuốn.

Làm phở cuốn đơn giản hơn nhiều so với nấu một bát phở nước. Cũng bánh phở, thịt, rau thơm như phở nước nhưng phở cuốn ăn khô, không chan nước dùng mà chỉ chấm bằng nước mắm pha nhạt. Bánh phở để cả tấm, cuốn thịt và rau chứ không thái thành sợi nhỏ như phở truyền thống.

Bí quyết của món ngon này nằm ở khâu xào thịt và pha nước chấm. Thịt bò phải thái mỏng, ướp tiêu, tỏi băm, mì chính, ướp chừng 10 – 20 phút, rồi cho lên bếp đảo nhanh sao cho thịt bò săn lại, mềm mà không dai. Nước chấm phở cũng giống như pha nước chấm nem, cũng với nước mắm ngon, đường kính, giấm, nước cốt chanh, hạt tiêu, hành tỏi khô, hành lá, rau mùi, đu đủ xanh hoặc su hào.

Đây là món ăn dễ làm nhất mà lại ngon, vì thế cứ cuối tuần phở cuốn ngũ xá lại là món yêu thích của nhiều gia đình. Từng miếng bánh phở trắng và dai, cuộn với thịt bò xào thơm phức, ăn kèm rau húng quế chấm với nước mắm giấm ớt và đu đủ xanh. Vị ngọt bùi của thịt bò xào cộng chút chua, cay của nước chấm thật hấp dẫn, ăn hoài không thấy chán.

Hiện nay, ở Hà Nội có rất nhiều quán bán phở cuốn, nhưng ngon nhất vẫn là ăn tại phố Ngũ Xã. Ngoài món phở cuốn nổi tiếng, nơi đây còn có các loại phở khác như phở chiên phồng, phở chiên giòn trứng hay món phở trộn… rất lạ miệng.

Ăn phở cuốn ở đâu?

Dọc phố Ngũ Xã là hàng loạt các quán phở cuốn, quán nào cũng có nhân viên chạy ra chèo kéo, chặn xe để mời khách vào quán nên gây ấn tượng không tốt lắm. Tuy nhiên quán phở cuốn Hưng Bền: Số 26 Nguyễn Khắc Hiếu, quận Ba Đình, Hà Nội. Quán rất đông khách, nhiều khi đến mà không có chỗ và chờ hơi lâu. Phở cuốn ở đây ngon, thịt bò mềm, nước chấm vừa miệng, phở chiên phồng giòn, nhiều rau, nhiều thịt.

3. Bánh trôi tàu – lục tàu xá – chí mà phù

Nhớ hồi cấp 3, khi gió mùa bắt đầu tràn về, thời tiết se se lạnh là chúng tôi lại rủ nhau đi ăn bánh trôi tàu. Thứ bánh ấy, tưởng chừng như mùa nào cũng có, nhưng ngon nhất vẫn là ăn vào trời lạnh, cầm bát bánh trôi tàu ấm nóng, vị ngọt, dẻo của bánh hòa cùng mùi thơm nóng ấm của nước gừng, thật là tuyệt.

Bát bánh trôi tàu bao giờ cũng có hai viên bột nặn to bằng hai quả trứng gà, mỗi viên mỗi vị, một viên bánh nhân đậu xanh (hay còn gọi là lục tàu xá), một viên nhân vừng đen (gọi là chí mà phù), chan thêm ít nước đường mật với gừng, rắc thêm chút lạc rang lên trên.

Cũng vo, cũng nặn như bánh trôi, bánh chay nhưng cái đặc biệt của món bánh trôi tàu này còn nằm ở khâu chế biến sao cho viên bánh ngâm trong nồi nước đường nóng vậy mà không bị nát, bánh dẻo mà dai ngon mới là đặc sắc. Để làm vỏ bánh ngon, gạo được lựa chọn kỹ và trộn theo tỉ lệ nhất định, đem ngâm qua đêm, sáng sớm hôm sau mang đi xay. Ngày nào xay bột của ngày đó, bột phải nhào thật kỹ với nước, khi ăn mới mịn và dai.Đối với bánh nhân vừng đen (chí mà phù), chỉ cần xay nhuyễn lạc và vừng đen, thêm vài thìa nước cho hỗn hợp nhuyễn đều, trộn thêm dừa nạo nếu muốn. Còn với nhân bánh đậu xanh (lục tàu xá) lại cầu kỳ hơn một chút. Người ta thường chọn loại đậu hạt nhỏ, săn và thơm để nhân bánh có vị thơm đậm đà, sau đó ngâm đỗ qua đêm rồi đem hấp chín, tán nhuyễn trộn đều với đường và dừa nạo, sau đó vo tròn thành từng viên nhân nhỏ, bao quanh bên ngoài là vỏ bánh. Khi nặn bánh xong, cho ngay vào nồi nước đang sôi, đun đến khi thấy bánh nổi lên là đã chín

Tùy theo khẩu vị của mỗi người mà bát bánh trôi có thể là nhân đậu xanh hoặc nhân vừng hoàn toàn. Nhưng nếu ăn như vậy, sẽ không thể cảm nhận hết được hương vị đặc biệt của món ăn. Cầm bát bánh trôi tàu nóng hổi trên tay, từ từ xúc từng thìa một và thưởng thức độ dẻo thơm của vỏ bánh, vị ngọt thanh của đỗ xanh, thơm bùi của mè đen hòa cùng với vị ngọt sắc của nước đường mật mía, lan tỏa cùng mùi thơm lựng của gừng ăn hoài không thấy chán.

Địa chỉ ăn bánh trôi tàu ngon

  • Bánh trôi tàu Bạch Mai: Số 250 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Quán chỉ mở bán vào mùa đông, tầm chiều từ 15h – 19h. Bánh ở đây ăn ngon, viên bánh bé không to như những hàng khác được cái vỏ mỏng, dẻo quánh, nhân đầy đặn, nước gừng nóng ấm, cay ngọt. Giá cả hợp lý.
  • Bánh trôi tàu Hàng Cân: Số 4 Hàng Cân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quán mở bán vào tầm chiều. Bánh ở đây ăn cũng ngon, vỏ bánh mềm nhưng dai, nhân nhuyễn mịn, bùi, thơm, nước gừng nóng ấm, cay nhưng ngọt đậm.

4. Mát lạnh với bún ốc nguội ngày hè

Lần đầu tiên mình được thưởng thức món ăn kỳ lạ này qua lời rủ rê của tụi bạn, mà đúng như cái tên bún ốc nguội nên cái gì cũng nguội từ bún nguội, ốc nguội, đến cả nước chấm cũng… nguội.

Nghe nói món bún ốc nguội là món ăn cổ truyền của người làng Sét (nay thuộc quận Hoàng Mai) từ những năm 50, được nhiều người biết đến qua gánh hàng rong tỏa đi khắp Hà Nội. Để có được bát bún ốc nguội ngon, người ta thường chọn loại ốc ăn rêu khe đá vừa giòn mà lại béo. Ốc không luộc mà dùng giấm bỗng để hấp cách thủy. Hơi giấm bỗng bốc lên sẽ thấm vào từng con ốc giúp vị ốc ngon hơn và thịt ốc được giòn hơn mà lại không tanh.

Ngoài ốc ra thì điểm nhấn độc đáo cho món này còn ở chính thứ nước chấm được pha từ giấm bỗng ngọt mát, chua dịu, mặn vừa phải, thêm chút vị cay nồng của ớt chưng. Ăn kèm với bún ốc nguội là những lá bún nhỏ thanh mát. Hơn nữa, bún ốc nguội không ăn cùng rau thơm bởi vị gắt của rau sẽ át mùi thơm dịu của giấm bỗng.

Ăn bún ốc nguội ở đâu ngon

Trước đây, món bún ốc nguội được nhiều người biết đến qua gánh hàng rong của người dân làng Sét, hiện nay món ăn này đang dần mai một và bị thay thế bởi các món bún ốc nóng. Ở Hà Nội, chỉ còn một vài quán còn lưu giữ lại món ăn cổ truyền này.

  • Quán bún ốc nguội Ô Quan Chưởng: Số 1 Hàng Chiếu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quán bán bún ốc nguội từ sáng đến trưa, chiều quán bán miến lươn. Ốc to, giòn, béo ngậy mà không tanh, nước chấm chua thanh, cay nồng ăn kèm cùng chút bún rối rất hợp vị, giá bún ốc nguội đắt hơn so với các loại bún ốc khác.
  • Quán bún ốc cổ Đội Cấn: Số 202 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Quán này tương đối nổi tiếng, không gian hơi bé nhưng đông khách, giá bún ốc nguội cũng không phải là rẻ.

5. Bánh gai làng Giá

Làng Giá là một vùng quê nằm bên sông Đáy thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội, với nghề làm bánh gai nổi tiếng. Bánh gai làng Giá được người sành ăn đánh giá chất lượng ngang với bánh gai Hải Dương.

Không ai biết Bánh gai có từ lúc nào, chỉ biết rằng, từ hàng trăm năm nay, đây là loại bánh tất yếu trong đời sống của người dân địa phương, nhất là trong các dịp lễ Tết.

Nguyên liệu làm bánh gai đơn giản như gạo nếp, lá cây gai (đây là nguyên liệu chính làm nên hương vị đặc trưng của bánh), đỗ xanh, cùi dừa, mỡ lợn, đường kính, vừng… Gạo nếp sau khi ngâm nước khoảng 2 giờ, vo sạch, để ráo nước rồi giã đều tay, rây thật kỹ cho đến khi thành bột gạo mịn. Đậu xanh để làm nhân bánh cũng được lựa chọn cẩn thận, đem đãi sạch vỏ, đồ chín, lấy đũa đảo, xới cho bở. Lá cây gai tước hết gân và sơ, rồi đem giã nhuyễn trộn với mật giọt nóng nhào thành một hợp chất màu đen, ngọt, quánh, dẻo; rồi trộn đều với bột nếp để làm vỏ bánh. Sau đó đem bột qua máy lèn cho kết lại, cán mỏng, cắt thành từng mảng bột vuông đều nhau vừa bằng một chiếc bánh, và đặt nắm nhân (đỗ xanh, dừa, mỡ lợn…) vào giữa mảng bột vo lại bao kín lấy nhân, rồi rắc chút vừng rang vàng lên mặt bánh trước khi đem đi gói và hấp bánh

Đến làng Giá thưởng thức từng miếng bánh gai thơm ngon mang hương vị quê hương nhâm nhi cùng tách trà xanh thì không gì sánh bằng.

6. Ngọt thơm tào phớ Hà Nội

Trong những thứ hàng rong mà chị em mình mong chờ nhất không chỉ là kem hay bánh mì mà còn là tiếng rao quen thuộc vào mỗi buổi trưa hè nóng bức “Phớ đê, ai phớ nào…” của bác bán hàng rong hàng ngày đều đặn đạp xe qua ngõ nhỏ nhà tôi.

Đối với chúng mình, tào phớ (tàu hũ) là món ăn quen thuộc, rẻ tiền, chẳng biết nên gọi nó là đồ ăn hay đồ uống nhưng nó lại là thứ “giải khát” làm dịu đi cái oi nóng của mùa hè bởi vị ngọt dịu mà thanh mát.

Cách chế biến tào phớ cũng rất đơn giản, đỗ tương sau khi ngâm nước khoảng ba tiếng, được xay nhuyễn, đem ép và lọc bã để được khối nước lỏng mềm mịn gọi là óc đậu. Óc đậu phải trong, không có bọt thì tào phớ mới không bị vữa. Khi có khách, người bán hàng dùng miếng tôn nhỏ hớt từng lớp mỏng rồi bỏ vào bát, tay hớt càng khéo càng mỏng bao nhiêu, bát phớ càng mềm mát bấy nhiêu. Kế đó, bát phớ được chan ngập nước đường nhạt, thoảng hương hoa nhài, hoa bưởi. Chỉ cần đảo nhẹ thìa vào bát, những lát tào phớ trắng ngà, mịn tan nhỏ như cánh hoa. Miếng tào phớ mát lạnh, thơm phức, vị ngọt thanh làm mát dịu cả cơ thể, xua tan đi cơn khát.

Ngày nay, tào phớ không còn được rao khắp các ngõ ngách như trước nữa. Nếu muốn ăn tào phớ có thể vào quán hay đến siêu thị, nhà hàng với đủ hương vị như: tào phớ thập cẩm, tào phớ thạch trân châu, tào phớ hoa quả, tào phớ sữa dừa hoặc thay nước đường hoa mai thành nước đậu nóng…… Nhưng trong ký ức của chúng mình, có lẽ gánh hàng rong vẫn là ngon hơn cả.

Ăn tàu hũ ở đâu ngon?

Dưới đây là một số quán tào phớ mà Hằng tổng hợp được cho các bạn tham khảo:

Quán bán tào phớ sữa đậu nành:

  • Trong các quán vỉa hè hay những gánh hàng rong trên phố: Đoàn Thị Điểm, Quang Trung…
  • Tào phớ thập cẩm ở khu vực Nghĩa Tân (Cầu Giấy).
  • Tào phớ cà phê ở một số cửa hàng trên phố Quang Trung, Nguyễn Du, Đào Duy Từ…

Quán bán tào phớ thập cẩm:

  • Tào phớ Tofu: Số 61 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng/ Số 41 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm / Số 12 Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm / Số 99 Hồ Đắc Di, quận Đống Đa / Số 318 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Từ món tào phớ nguyên bản, người bán cho thêm nhiều hương vị, mùi vị khác nhau, làm cho bát tào phớ nhìn cũng bắt mắt hơn, ăn có khác lạ hơn.
  • Tào phớ Nghĩa Tân: Số 105C3 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy không có nhiều loại hương vị như ở Tofu, nhưng tào phớ ở đây ăn vẫn ngon, vị tào phớ thanh mát, mềm, mịn và ngọt vừa nên cũng dễ ăn.

7. Đặc sản rắn Lệ Mật

Lệ Mật (xã Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) được nhiều người biết đến với ngành nghề độc nhất vô nhị là săn bắt, chăn nuôi và chế biến rắn từ hàng nghìn năm nay. Về làng rắn, các bạn không chỉ được thưởng thức thịt rắn thơm ngon mà còn được người dân nơi đây kể cho nghe tích xưa về chàng trai họ Hoàng giết loài rắn khổng lồ.

Tương truyền vào thời nhà Lý, công chúa con vua Lý Nhân Tông đang dạo chơi trên sông Thiên Đức chợt sóng gió nổi lên, rắn khổng lồ xuất hiện, bắt công chúa đi. Nhà vua thương con, cử nhiều tướng tài đi tiêu diệt thủy quái nhưng không ai làm được. Có chàng trai họ Hoàng sống ở làng Lệ Mật võ nghệ cao cường lại có tài bơi lội xin vua cho đi.

Cuộc chiến đấu sôi sục cả lòng sông, với sự mưu trí, dũng cảm, chàng trai đã giết được thủy quái. Nhà vua ban thưởng cho chàng quan tước, vàng bạc nhưng chàng không nhận chỉ xin về lập ấp ở phía Tây thành Thăng Long, biến nơi hoang vu thành 13 làng trại trù phú. Sau khi “khai làng lập ấp”, chàng quay về củng cố làng cũ. Sau này, chàng mất, dân làng lập đình thờ chàng, suy tôn là Thành Hoàng làng.

Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt và nuôi rắn. Thời gian đầu dân làng Lệ Mật chỉ nuôi rắn để ngâm rượu làm thuốc chữa bệnh, sau này da rắn được làm đồ mỹ nghệ như dây lưng, ví da, giày da…Thịt rắn thì được chế biến thành nhiều món ăn, ban đầu chỉ có vài món đơn giản như rắn ướp muối tiêu nướng, rắn xào hành tỏi, rắn băm nhỏ xào giòn… Ngày nay, các nhà hàng đã phục vụ nhiều món ăn mới hơn, thỏa mãn khẩu vị đa dạng của thực khách.

Đến làng rắn Lệ Mật nhất là trong dịp hội làng, thưởng thức đặc sản thịt rắn trong không khí trong lành thư thái, nhâm nhi mấy chén rượu bên đĩa thịt rắn mà quên không gian, quên thời gian đang lấp đầy bởi những bộn bề lo toan đời thường…

Địa chỉ tham khảo:

Nhà hàng rắn Nguyễn Văn Dực: Số 4, ngõ 82, tổ 7 Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên/ Số 16, khu No3, tổ 9 Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Nhà hàng này tương đối nổi tiếng, không gian rộng rãi, nhân viên phục vụ tốt, thịt rắn chế biến vừa miệng, các bạn có thể xem người ta bắt rắn và làm thịt ngay trước mặt.

8. Thơm ngon bánh Tôm Hồ Tây

Nói đến ẩm thực Hà Nội chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay đến phở, bún thang, bún chả… tuy nhiên còn có một món ăn rất bình dị, mà ai đã từng đến Hà Nội sẽ đều háo hức được một lần nếm thử, đó là: Bánh tôm hồ Tây (hay còn gọi là bánh tôm Cổ Ngư).

Nghe kể lại thì bánh tôm hồ Tây xuất hiện lâu lắm rồi, đâu những năm 30 thì phải nhưng hồi đó chỉ là những kiot lụp xụp bán kèm với bia tươi, mãi sau này mới được nhiều người biết đến và được phục vụ trong một nhà hàng lớn nằm ngay cạnh hồ, lại có không gian đẹp vừa ăn bánh vừa ngắm cảnh hồ.

Nguyên liệu chính để làm bánh tôm hồ Tây là bột mì, bột năng xay mịn, trộn chung với trứng vịt thành hỗn hợp sền sệt. Ngoài ra còn có một nguyên liệu không thể thiếu để làm nên những chiếc bánh ngon đó là khoai lang thái sợi và tôm được đánh bắt tại hồ. Tuy nhiên ngày nay do lượng đánh bắt nhiều nên tôm dưới hồ đã giảm vì thế người ta sử dụng loại tôm khác, thịt mềm, chắc không kém.

Những lúc cùng tụi bạn đi ăn bánh tôm, bạn hãy nhìn những người bán hàng, tay nhanh thoăn thoắt múc từng muôi hỗn hợp bột khoai, bỏ vào đấy vài con tôm rồi nhúng muôi vào chảo dầu đang sôi sùng sục, chờ đợi bánh chín. Cầm những chiếc bánh vàng ươm mà không thể cầm được lòng, cắn một miếng thấy ngay sự giòn tan của bánh, vị ngọt của tôm, bùi thơm của khoai lang cộng thêm vị chua cay ngọt của nước mắm ngon ngây ngất. Để bớt ngấy, các bạn có thể ăn kèm với rau sống, có thể ăn thêm với bún rối và uống cùng với bia thật hấp dẫn.

Ngày nay, tuy cách thưởng thức đã khác xưa nhưng bánh tôm Cổ Ngư vẫn giữ được vẹn nguyên hương vị cổ truyền của nó để cho những ai đã một lần thưởng thức đều nhớ mãi.

Địa chỉ tham khảo:

Nhà hàng bánh tôm hồ Tây: Số 1 Thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây là nhà hàng nổi tiếng với món bánh tôm hồ Tây từ thời bao cấp, nhà hàng có không gian thoáng đãng lại ở vị trí đắc địa, một bên là đường Thanh Niên, một bên là hồ Tây. Ngày nay, nhà hàng mở rộng kinh doanh, không chỉ mỗi món bánh tôm mà còn bán nhiều món khác nữa cho các bạn lựa chọn. Giá cả hơi đắt.

Ngoài bánh tôm hồ Tây, Loca xin liệt kê thêm một số quán bánh tôm ngon khác ở Hà Nội cho các bạn lựa chọn:

  • Quán bánh tôm, há cảo chiên: vỉa hè số nhà 55 Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quán vỉa hè nhưng đông khách, nhiều lúc đến nhưng không có chỗ vì thế nhiều người hay mua mang về. Ngoài bánh tôm quán còn bán cả há cảo chiên, quán mở bán từ 15h chiều cho đến khi hết hàng.
  • Bánh tôm số 25 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ở đây có hai quán bán bánh tôm, bánh gối đều ở trong ngõ, quán rất đông khách, bánh tôm ở đây vỏ giòn, tôm to, nước chấm đậm đà. Ngoài ra quán còn phục vụ các món khác như cút lộn, nem chua rán, bánh gối…

9. Bưởi Diễn

Năm nào cũng vậy, cứ cách Tết tầm 1 tháng là bà tôi lại tìm mua bưởi Diễn – thứ quả được trồng nhiều ở khu vực Cầu Diễn, Đức Diễn, Kiều Mai, xã Phú Diễn và xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (Hà Nội).

Xưa kia, bưởi Diễn vốn là thứ quà tiến vua và được xếp vào hàng đặc sản hoa trái đất Hà thành. Nay bưởi Diễn còn là một trong 5 loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết, lại có thể để lâu ngày nên giá bưởi Diễn đắt hơn nhiều loại bưởi khác nhưng vẫn được người sành ăn tìm mua bằng được, quả bưởi Diễn không to lắm chỉ nhỉnh hơn quả cam một chút nhưng cầm rất chắc tay. Vỏ bưởi căng, hanh vàng chứ không xanh mướt.

Cách thưởng thức bưởi Diễn rất đặc biệt, không giống với các loại bưởi khác, bà tôi thường bảo: bưởi Diễn ngon nhất không phải là ăn ngay khi vừa hái xuống mà phải để nó ở dưới sàn, nơi thông thoáng cho đến vài tháng, tới khi vỏ quắt lại, dùng tay lột vỏ, bóc từng múi bưởi căng mọng, vàng ươm, mà ngọt đến tận chân răng, cùng mùi hương đặc sắc ăn một lần là chẳng thể nào quê

Ngày tết đến, sau bữa cơm tất niên, cả gia đình lại sum họp, quây quần bên đĩa bưởi vàng óng, căng mọng nước chẳng cần mứt, kẹo gì cũng thấy ngọt lịm rồi.

Cách chọn bưởi Diễn

Các bạn nên chọn quả có cuống nhỏ, tròn đều, căng vỏ, vỏ có màu vàng sẫm và cầm chắc tay. Khi bổ múi có màu vàng mượt, cùi mỏng, ngọt, có mùi thơm mát, hạt rất nhỏ và săn hạt. Đặc biệt bưởi Diễn có thể để được từ 3 đến 4 tháng và càng để lâu, vỏ héo, ăn càng thơm, ngọt.

Cách bảo quản bưởi Diễn

Đối với quả tươi vừa hái xuống nên để khoảng 10 – 15 ngày cho khô nhựa, sau đó bảo quản nơi thoáng mát để ăn dần.

Kỳ công hơn, các bạn có thể làm giàn bằng tre hoặc gỗ nhiều tầng, cách nhau khoảng 25 – 30cm, rồi xếp bưởi vào từng tầng để nơi khô thoáng, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào.

Ngoài ra các bạn có thể dùng thùng cát tông, cho một lớp cát khô, dày khoảng 10 – 15cm, xếp một lớp bưởi Diễn lên trên, rồi rải thêm lớp cát dày 5 – 7cm, rồi lại xếp một lớp bưởi tiếp theo cho đến khi đầy thùng thì thôi, lớp cát trên cùng dày khoảng 20cm. Cách này có thể giữ cho bưởi lâu 1 – 2tháng.

10. Dẻo thơm bánh chè lam Thạch Xá

Đến tham quan thắng cảnh chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội)bạn không chỉ được chiêm ngưỡng hình dáng, biểu cảm khác nhau của các vị La Hán mà còn được thưởng thức đặc sản xứ Đoài – bánh chè lam dẻo thơm dân dã.

Không giống với các loại bánh khác, chè lam Thạch Xá cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu chế biến, muốn chè lam ngon, người ta phải chọn loại giống nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung, đây là thứ gạo thơm và dẻo, sau đó rang thóc đều tay, đến khi hạt thóc đã nổ thành những hạt bỏng trắng, thơm, rồi đem bỏng ấy nghiền thành bột mịn. Tiếp đến người ta đun mật và chế biến gia vị, có thể dùng đường kính hoặc mật cây mía kết hợp với mạch nha nấu thành mật. Để được nồi mật đủ độ (không non mà cũng không già lửa quá) thì người chế biến phải có kinh nghiệm đảm bảo được vị thơm, không bị đắng khét, khi kéo ra mảnh và sáng ánh. Sau đó cho bột nếp, lạc rang, gừng tươi… cùng một số hương liệu khác khuấy đều.

dac-san-ha-noi-12

Bánh chè lam ngon có vị dẻo thơm từ bột gạo nếp

Sau khi bột chín, đổ ra bàn để nhào, rắc bột nếp đã rang vàng lên bàn làm lớp áo cho bánh, sau đó cán hỗn hợp này nhiều lần đến khi bánh dẻo, có độ dai là được. Bánh chè lam ngon có vị dẻo thơm từ bột gạo nếp, vị ngọt vừa phải của mật và chút cay thơm của gừng, bùi ngậy của lạc, cắn miếng chè lam làm một ngụm nước chè mới cảm nhận được hết dư vị hấp dẫn này của món đặc sản này.

Nếu có một lần ghé thăm chùa Tây Phương, các bạn đừng quên thưởng thức thứ đặc sản thơm ngon này nhé.

Ăn bánh chè lam ở đâu

Ngày nay chè lam không chỉ ở được bày bán ở chùa Tây Phương mà các bạn còn có thể mua được ở các quán nước hay các quầy hàng gần chùa Thầy và làng cổ Đường Lâm…

11. Vịt cỏ Vân Đình

Cách Hà Nội 40km về phía Đông, trên đường đi chùa Hương, Vân Đình từ lâu đã trở thành địa điểm nghỉ chân của nhiều người bởi nơi đây rất nổi tiếng với những đặc sản như thịt chó, chả giò… đặc biệt là món vịt cỏ.

Vịt cỏ Vân Đình là giống vịt được nuôi thả trong môi trường tự nhiên, ăn thóc rơi, tôm tép… nên không bị béo. Mỗi con chỉ nặng khoảng 1, 2 – 1, 3kg nên thịt mỏng, xương mềm và rất ngọt, thường chế biến thành ba món: vịt luộc, vịt nướng và cháo vịt; ngoài ra còn có thêm tiết canh vịt nhưng ít người ăn hơn vì sợ không vệ sinh.

Thịt vịt luộc ngọt, mềm nhưng vẫn đủ độ chắc, thường được ăn kèm với nước mắm tỏi ớt. Tuy nhiên với những người không thích ăn dầu mỡ sẽ dễ thấy ngấy vì vịt luộc cũng khá béo. Đối với vịt nướng, người bán hàng sẽ ép mỏng con vịt, kẹp vào vỉ và nướng trên bếp than. Ăn kèm với thịt vịt nướng là nước chấm rất đặc trưng vàng sánh, ngọt lừ. Món cháo vịt được chế biến đơn giản hơn, người ta luộc chín vịt rồi xé nhỏ, đến khi có khách gọi, họ sẽ cho vịt vào bát, thêm chút nước mắm cho đậm đà cùng hành hoa, tía tô rồi múc cháo lên trên. Cháo có độ sánh vừa phải, đặc biệt hấp dẫn, nhất là cho những bữa ăn khuya.

Một số địa chỉ quán vịt ngon cho các bạn tham khảo:

  • Lò nướng vịt cỏ Vân Đình: Ở vỉa hè đối diện lối vào với Ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa (Vân Đình, Hà Nội), gọi là lò nướng nhưng thật ra ở đây họ chỉ đặt một xe đẩy kiêm bếp lò nướng vịt, ở đây không có chỗ ngồi mà chỉ thích hợp để mua về ăn nhưng được cái vịt ở đây đúng chất là vịt cỏ, thịt chắc, ngọt, không tanh mà lại thơm mùi lá móc mật, mật ong cùng các gia vị khác. Mở bán từ 15h đến 22h tối thì nghỉ.
  • Nhà hàng vịt cỏ Nhung Hiền: Đường đôi Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Quán nằm ở hồ Linh Đàm, không gian thoáng, đông khách. Trong số các món vịt ở đây thì ngon nhất là món vịt nướng, thịt chắc, thơm, gia vị đậm đà.
  • Quán vịt cỏ Vân Đình – Long Hói: Số 12 Ngõ 337 Cầu Giấy, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Quán nằm hơi khuất, không gian nhỏ, quán chuyên về các món vịt, ở đây thì mình thích nhất là món vịt nướng và vịt rang muối ăn rất ngon, giá cả vừa phải.

12. Bánh khúc – Hương vị của tuổi thơ

Trước kia khi còn ở với ông bà ngoại cứ mỗi khi đến mùa rau khúc là bà lại làm bánh cho tôi ăn, chiếc bánh tròn tròn xanh lét bọc ngoài là những hạt gạo nếp trắng tinh, dẻo thơm, ăn ngon đến lạ!

Thấy bà bảo rau khúc có hai loại khúc tẻ và khúc nếp, để làm bánh khúc ngon thì phải chọn loại lá khúc nếp, rửa sạch để cho ráo nước rồi đem giã nhuyễn, giã cho đến khi thấy nặng tay bột lá dẻo lại thì dừng. Khi ấy, đem bột lá khúc nhào với bột gạo nếp, gạo tẻ theo tỷ lệ nhất định. Nhân bánh làm bằng đậu xanh đãi vỏ, hấp chín giã tơi, trộn chung với thịt mỡ hay thịt ba rọi, ướp gia vị tiêu, muối vừa ăn. Khi làm bánh thì viên nhân lại thành những phần bằng nhau, lấy một lượng bột vừa đủ, cho phần nhân vào, vo tròn lại sao cho khít miệng bánh, rồi xếp vào chõ, mỗi lượt bánh lại rắc một lượt gạo nếp. Bà bảo làm thế để cho bánh khỏi dính vào nhau.

Bánh khúc ăn ngay khi nóng và ăn kèm với chút vừng lạc, vị thơm ngọt của rau khúc, béo bùi của gạo nếp, đỗ xanh, rồi nồng của hạt tiêu… tỏa ra trong hơi nóng nghi ngút của miếng bánh giữa mùa đông mới thấy được hết hương vị tuyệt vời của bánh khúc.

Ngày nay khi càng ngày càng có nhiều món ăn mới lạ như gà rán, pizza, mỳ ý… tôi dường như quên mất chiếc bánh quê hương quen thuộc của tuổi thơ. Đêm đông Hà Nội giữa không gian yên ắng tĩnh lặng, lang thang một mình trở về sau chuyến công tác, bất chợt nghe thấy tiếng rao quen thuộc “Ai bánh khúc đê, khúc đê…” bỗng thấy nhớ bà ngoại, nhớ tuổi thơ, nhớ bánh khúc…, bất giác gọi “Khúc ơi….”.

Mua bánh khúc ở đâu?

Bánh khúc Hà Nội được nhiều người nhắc đến nhất, đó là bánh khúc cô Lan ở chợ Nguyễn Công Trứ – một cửa hàng có từ lâu đời. Bánh ở đây ngon, nắm bánh đầy đặn, thơm mùi rau khúc, hạt tiêu. Ngoài ra, còn có bánh khúc Quân trên phố Cầu Gỗ (đối diện cổng chợ Hàng Bè) cũng khá ngon miệng.

13. Bánh cuốn Thanh Trì

Ngày nay, bạn có thể dễ dàng thấy bánh cuốn ở khắp mọi nơi, tuy nhiên ngon và đặc sắc nhất thì phải nhắc tới bánh cuốn Thanh Trì đã thành thương hiệu. Không ai biết làng bánh cuốn này có tự khi nào, chỉ biết rằng theo tích dân gian thì Thanh Trì là một làng vào loại cổ nhất của Thăng Long – Hà Nội. Từ thời Hùng Vương thứ 18, người dân đã tụ họp về đây khai khẩn đất đai làm ăn, con trai vua Hùng đích thân dạy dân cày cấy, nghề làm bánh cuốn cũng được hình thành và trường tồn cho đến ngày nay.

Bánh cuốn Thanh Trì rất mỏng có màu trắng trong, dẻo và thơm. Nguyên liệu chủ yếu để làm bánh cuốn là gạo, gạo được xay (xát) ra hoà cùng với một lượng nước vừa phải. Bánh cuốn  thường thường được tráng trên miếng vải trắng phủ  lên nồi nước nóng. Người làm bánh cho từng muôi bột nhỏ lên tấm vải ấy, láng mỏng rồi đậy vung lại khoảng 2 phút. Khi  bánh chín đặt một thanh tre nhỏ vào một đầu để cho bánh dính lại, sau đó cuộn một vòng rồi trải tấm bánh ra bàn, cắt làm đôi và cuộn lại.

Bánh cuốn Thanh Trì có nhiều loại khác nhau, thường là loại không nhân, người ta chỉ xoa một lần mỡ phi hành (hành lá tươi là đúng chất). Ngoài ra còn có nhân như: Bánh cuốn nhân hành, nhân tôm bóc nõn giã bông, nhân thịt (thường được làm bằng thịt băm với mộc nhĩ, nấm hương, hành đã xào chín và cho thêm chút hồ tiêu để tăng thêm vị ngon và mùi thơm hấp dẫn). Ngày nay nhiều món ăn truyền thống của Hà Nội đang bị mai một người dần ít quan tâm đến những món ẩm thực xưa, nhưng bánh cuốn Thanh Trì vẫn là một món được nhiều người ưa thích.

Ở Hà Nội, các bạn có thể ăn bánh cuốn Thanh Trì ở địa chỉ sau:

Bánh cuốn bà Hoành: Số 66 Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng. Quán này sạch sẽ, bánh cuốn ngon, hành khô phi giòn, thơm, nước chấm vừa miệng. Bánh cuốn ở đây ăn kèm với chả quế và thịt nướng rất ngon.

14. Bánh chưng Tranh Khúc

Bánh chưng chắc hẳn đã không còn xa lại với bất kỳ người dân Việt Nam nào. Ở Hà Nội có một làng nghề truyền thống chuyên gói bánh chưng, mà thương hiệu bánh đã được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và đăng ký bản quyền – Bánh chưng Tranh Khúc (làng Tranh Khúc, xã Duyên hà, huyện Thanh Trì) các bạn đã từng nghe?

Để làm ra được những chiếc bánh ngon, người dân nơi đây phải lựa chọn nguyên liệu tỉ mỉ: Gạo phải là gạo nếp cái hoa vàng Hải Hậu (Nam Định); lá dong nếp từ Yên Bái, Hà Giang… Đặc biệt, thịt lợn phải là thịt tươi, ngon đảm bảo chất lượng.

Bánh phải gói chặt tay, buộc chắc chắn rồi luộc 8-10 tiếng. Khi bánh chín, người ta rửa qua nước lạnh cho bánh sạch, lá không bị khô. Khi bánh còn mềm thì dùng một tấm phên chèn để nước trong vỏ bánh chảy hết đi, giúp bánh nở đều, các góc chặt như nhau. Bánh chưng ngon là khi cắt ra phải chắc nhưng hạt gạo mềm và dẻo, ăn có vị thơm và béo ngậy.

Hiện nay, bánh chưng làng Tranh Khúc chiếm khoảng 80% thị phần bánh chưng ở Hà Nội, chủ yếu bán ở các chợ lớn như Đồng Xuân, chợ Hôm, Yên Phụ, Thanh Xuân, các nhà hàng, khách sạn… hay gửi đi các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang.

15. Giò chả Ước Lễ

Nhắc đến giò chả người Hà Nội thường nghĩ ngay đến làng nghề truyền thống Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) nổi tiếng bao đời nay.

Sản phẩm của làng Ước Lễ có rất nhiều: Giò lụa, giò bò, giò xào, giò bì, giò ép, chả quế, chả rán…nem chua nhưng nổi tiếng nhất vẫn là giò lụa, chả quế. Giò chả Ước Lễ không giống với các nơi khác, không làm đại trà bởi công đoạn làm giò rất cầu kỳ và công phu từ khâu chọn lợn, pha thịt đến kỹ thuật gói giò, luộc giò…

Người Ước Lễ không tham rẻ khi mua lợn, nguyên liệu làm giò được chọn lựa cẩn thận, trong đó Khâu chọn thịt khi làm giò là quan trọng nhất. Thịt làm giò phải là thịt nạc thăn hoặc nạc mông, lọc sạch gân, mỡ, thái mỏng rồi giã đến khi thịt nát mịn, quánh dẻo thì cho một chút nước mắm và một ít gia vị khác trộn đều, rồi gói lại bằng lá chuối tây thì giò mới trắng và có mùi thơm. Sau đó thả giò vào nước sôi và luộc chừng khoảng 1 tiếng thì vớt ra, thả vào nước lạnh. Giò ngon là khi đưa dao cắt ngang mà miếng giò không bị dính, giò có màu hồng nhạt, ăn giòn, thơm mùi thịt, miếng giò cắt phải có những lỗ nhỏ.

Ngoài giò lụa, Ước Lễ còn lừng danh với chả quế và chả rán. Chả quế sơ chế giống giò lụa, chỉ khác là khi thịt giã nhuyễn thì cho thêm bột quế và các gia vị khác. Sau đó, người làm phải liên tục phết nước hoa hiên trộn mật ong lên chả, rồi quay trên than hoa cho đến khi thịt và hương quế đã hòa quyện làm một. Miếng chả thành phẩm phải có vỏ vàng ruộm, ăn vào có vị ngọt giòn, thơm cay của quế, mật ong.

Chả rán Ước Lễ cũng hấp dẫn không kém bởi vị ngon, bùi, béo ngậy của thịt hấp chín. Thịt mỡ cùi dày chần qua nước nóng, thái hạt lựu, trộn với thịt nạc đã giã và hấp cách thuỷ. Khi chín, để nguội, bỏ vào chảo mỡ sôi rán vàng.

Ngày nay, giò chả Ước Lễ đã nổi danh khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài. Ở các phố ẩm thực lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay các chợ cóc, chợ quê sẽ không khó để thấy các cửa hàng giò chả mang thương hiệu Ước Lễ.

Bạn có thể mua giò chả ở cửa hàng Quốc Hương: Số 9 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là hàng giò chả có tiếng ở Hà Nội, rất đông khách nhất là vào dịp lễ tết, khách mua giò chả, bánh chưng phải xếp hàng dài, giá hơi đắt, chất lượng giò ăn cũng ngon.

16. Bánh dày Quán Gánh

Hồi bé, khi bố mẹ đi làm, tôi hay ở nhà với ông bà, mỗi lần bà ngoại đi chợ là bà lại mua quà về cho tôi khi thì gói bỏng, gói kẹo khi thì là chiếc bánh dày, bánh giò. Cầm chiếc bánh, tôi thích lắm, nhất là lại được bà kể cho nghe về sự ra đời của bánh dày Quán Gánh. Bà kể rằng: Ngày xưa, có một người hành khất nghèo khổ, rách rưới, bẩn thỉu đi ngang qua làng Quán Gánh nghỉ trọ nhưng vẫn được những người dân đôn hậu nơi đây đối đãi tử tế. Cảm động vì nghĩa cử đó, ông bèn dạy cho người dân địa phương cách làm bánh bằng gạo nếp vừa lạ vừa ngon, và gọi là bánh dày. Sau này, người dân mới biết người hành khất đó là một vị vua đi vi hành dạy dân làm nghề.

Năm ngoái, có dịp về quê đứa bạn ở làng Quán Gánh (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội), được xem nó làm bánh dày, mới thấy để làm ra những chiếc bánh thơm ngon cũng kỳ công lắm, từ khâu chuẩn bị gạo đến khâu giã bánh. Gạo dùng làm bánh phải là gạo nếp Hải Hậu, đều hạt, vo kỹ, đồ thành xôi. Khi xôi còn nóng phải giã nhuyễn, nặn thành từng chiếc. Bánh dày có nhiều loại tùy sở thích, khẩu vị của mọi người như bánh chay kẹp giò, bánh dày nhân ngọt hoặc bánh mặn nhân đậu xanh thêm ít thịt ba chỉ, dừa thơm mùi hạt tiêu … mỗi loại đều có vị ngon riêng, nhưng tôi thích nhất là bánh dày mặn. Chiếc bánh dày dẻo mịn, không dính tay toả ra hương thơm dịu của gạo nếp. Khi ăn mùi thơm thoang thoảng của dứa, vị béo của mỡ lợn và bùi của đỗ xanh thật hấp dẫn. Bánh dày thơm ngon như vậy nhưng không thể để được lâu vì có nhân đỗ mỡ dễ thiu vì thế phải ăn ngay trong ngày không sẽ mất ngon.

Ngày nay, bánh dày Quán Gánh không chỉ xuất hiện trong mỗi dịp lễ hội, mà nó còn có mặt trên khắp các nẻo đường Hà Nội, trong đám cưới và các buổi tiệc quan trọng… nếu có dịp ra Hà Nội, các bạn đừng quên thưởng thức món ăn đặc sản này nhé.

  • Cửa hàng bánh dày Nụ Hậu: Số 115 Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội
  • Cửa hàng bánh dày: Số 45 Quán Gánh, Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội

17. Xôi Kẻ Gạ

Ở Hà Nội, có rất nhiều thứ quà sáng như phở, bún, miến và các loại bánh trái… trong đó có một món rất phổ biến mà các bạn có thể gặp ở mọi ngõ ngách, đó là xôi. Tuy có nhiều loại nhưng mà với những người sành ăn thì món xôi đặc sắc nhất phải kể đến là xôi Phú Thượng (hay xôi kẻ Gạ).

Phú Thượng thuộc quận Tây Hồ, trước đây gồm ba xã hợp lại là Phú Gia (tên nôm là làng Gạ), Thượng Thụy (làng Bạc) và Phú Xá (làng Xù). Làng Phú Gia xưa có nhiều nghề truyền thống như nấu rượu nếp, làm bánh trôi, bánh đa kê… nhưng nổi tiếng nhất là nấu xôi.

Xôi Kẻ Gạ thường được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng và gạo nếp quýt được chọn kĩ lưỡng, hạt đều và mẩy, không lẫn các loại gạo khác. Sau khi vo sạch, gạo được ngâm chừng 4 giờ rồi vớt ra cho ráo nước. Trước đây gánh xôi chỉ có xôi đậu xanh và xôi gấc, còn nay đã được bổ sung nhiều loại khác như: Xôi vò, xôi xéo, xôi lạc, xôi đỗ xanh, xôi vừng dừa… Tùy theo từng loại xôi, mà người ta sẽ có những cách thức nấu xôi khác nhau.

Điểm đặc biệt là xôi ở đây được đồ hai lần. Sau khi trộn lẫn các nguyên liệu đặc trưng (gấc, đậu xanh, đậu đen…) với gạo, nêm muối vừa phải và đổ vào chõ đồ. Khi xôi gần chín thì đổ ra, vẩy thêm ít nước cho hạt xôi se lại rồi tiếp tục cho vào chõ, đồ lại lần nữa. Khi xôi chín được dỡ ra thúng lót bọc mút bên dưới, trên đậy vỉ cói, ủ lá sen để xôi nóng, thơm mà không bị hấp hơi.

Ăn xôi Phú Thượng ở đâu?

Xôi Phú Thượng ở vỉa hè trước cửa nhà số 44 Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm. Xôi ở đây rẻ lại ngon nên rất đông khách và có đủ loại xôi cho các bạn lựa chọn như xôi xéo, xôi vò, xôi đỗ, lạc… Quán mở từ 6 giờ sáng, nhiều khi đông khách đến 8 giờ là hết hàng. Nếu mua với số lượng lớn thì các bạn sẽ được người ta bán xôi theo cân đấy nhé.

18. Ô mai Hàng Đường

Những trái ô mai nhỏ xinh đã trở thành thứ quà vặt không thể thiếu trong cặp sách hay trong túi áo, nhắc đến ô mai, hoa quả dầm là nước miếng cứ ứa ra, trong đầu sẽ chỉ ám ảnh: cái này chua, cái này ngọt, cái này dẻo, cái này phải ngậm thật lâu để cái ngọt và thơm còn đọng lại nơi cuống họng…

Mỗi khi có dịp đi qua phố Hàng Đường, tôi như bị mê hoặc bởi hàng trăm loại ô mai rực rỡ sắc màu: Từ màu xanh của sấu, màu vàng của mơ, màu vàng chanh của chanh cốm, hay màu nâu đỏ của mận chín… đủ loại hương vị là tôi lại không thể kìm lòng, chắc chắn phải dừng lại ghé vào để mua vài hộp ô mai cho thỏa nỗi thèm.

Chẳng ai biết rõ ô mai đã có tự bao giờ, chỉ biết rằng cái thứ quà dân dã này đã trở thành một “chất nghiện” rất đáng yêu của người Hà Nội. Trước đây, ô mai chỉ có hai vị chính, đó là chua và mặn nhưng bây giờ người làm ô mai đã làm ra nhiều loại khác nhau nữa có loại ngọt, có loại vừa cay – chua – mặn – ngọt hòa lẫn vào nhau như: mơ cam thảo, mơ nho xào gừng, mơ dẻo, sấu tươi xào, sấu giòn, khế xào, ô mai quất chua chua đăng đắng…

Hiện nay, ô mai không còn là sản phẩm độc quyền trên phố Hàng Đường. Các bạn có thể dễ dàng mua được ô mai ở siêu thị, chợ, hay gánh hàng rong… nhưng ô mai Hàng Đường vẫn là một địa chỉ đáng tin cậy, mang đến cho khách hàng món ẩm thực đậm bản sắc đất Hà thành.

Một số cửa hàng ô mai ở Hàng Đường: Ô mai Tiến Thịnh (Số 21 Hàng Đường), ô mai Gia Lợi (Số 16 Hàng Đường), ô mai Gia Thịnh( Số 13 Hàng Đường) và ô mai Hồng Lam (Số 11 Hàng Đường)… Trong các cửa hàng ô mai trên, thì ô mai Hồng Lam làm thương hiệu tốt, có nhiều hệ thống cửa hàng ở khắp nơi, mẫu mã đẹp, giá cả đắt hơn các cửa hàng khác một chút. Ô mai ở đây đa dạng, nhiều loại, nhưng ô mai sấu bao tử và mơ Hồng Lam không hột, với đủ hương vị khác nhau luôn là lựa chọn hàng đầu với nhiều người.

19. Chả cá Lã Vọng

Chả cá Lã Vọng là tên món cá tẩm ướp, nướng trên than rồi rán lại trong chảo mỡ, do gia đình họ Đoàn tại số nhà 14 phố Chả Cá (trước là phố Hàng Sơn) trong khu phố cổ giữ bí quyết kinh doanh và đặt tên.

Trước kia chả cá thường được chế biến từ cá lăng, vì thịt cá lăng ngọt, thơm, nhiều nạc ít xương. Ngày nay loài cá này trở nên quý hiếm nên được thay bằng cá nheo, cá quả, cá ngạnh, cá chiên… nhưng vị không ngon bằng cá lăng.

Cá làm sạch chỉ lấy phần thịt, cắt khúc cỡ hai đốt ngón tay, ướp với riềng, mẻ, hạt tiêu, nước mắm và không thể thiếu một chút mắm tôm, ướp cá khoảng 2 giờ, rồi kẹp cá vào cặp tre (hoặc vỉ) để nướng, đến khi vàng đều hai mặt.

Khi chuẩn bị ăn, người ta mới mang những kẹp chả nướng đã chín trút vào chảo mỡ sôi trên bếp than hoa đặt trên bàn ăn, cùng với rau thì là và hành hoa cắt khúc.

Chả cả phải ăn ngay lúc nóng mới ngon, gắp miếng chả cá cùng rau ra bát, kèm thêm chút bún rối, lạc rang, rau mùi, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ, mắm tôm đã pha chế nước cốt chanh, ớt, rượu, mỡ nóng, đường và tinh dầu cà cuống… rồi trộn đều là bạn có thể thưởng thức được rồi. Nếu không thích dùng với bún, bạn có thể dùng kèm chả cá với bánh đa nướng, hoặc cũng có thể bẻ bánh đa thành từng miếng nhỏ trộn với bún.

Ở Hà Nội có rất nhiều quán chả cá, các bạn có thể thưởng thức ở một số địa chỉ sau:

  • Nhà hàng chả cá Lã Vọng: Số 14 Chả Cá, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Được xem là quán gốc cho món chả cá ngon nổi tiếng Hà Thành. Quán có bề dày lịch sử lâu đời, từ thời Pháp thuộc, quán rất nhỏ nên tạo sự ấm cúng, hoài cổ cho người thưởng thức. Chả cả ở đây ăn ngon, nhưng hơi ít và giá thành thì quá đắt. Thái độ phục vụ thì bình thường.Nguồn gốc của quán: Vào những năm thời kỳ Pháp thuộc, ở số 14 Hàng Sơn có một gia đình họ Đoàn sinh sống, họ thường lấy nhà mình làm nơi cưu mang nghĩa quân Đề Thám. Chủ nhà hay làm một món chả cá rất ngon đãi khách, lâu dần thành quen, những vị khách ấy đã giúp gia đình mở một quán chuyên bán món ăn ấy, vừa để nuôi sống gia đình, vừa làm nơi tụ họp. Lâu dần, hai tiếng ‘Chả Cá’ được gọi thành tên phố. Trong nhà hàng luôn bày một ông Lã Vọng – Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá – biểu tượng của người tài giỏi nhưng đang phải đợi thời. Vì thế khách ăn quen gọi là Chả cá Lã Vọng, ngày nay trở thành tên nhà hàng và cũng là của món ăn.
  • Chả cá Lão Ngư: Số 171 Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội. Nhà hàng rộng rãi, sạch sẽ, dễ tìm, có chỗ đỗ xe tiện lợi nhưng hơi khó sang đường và rất đông khách. Suất chả cá ở đầy đặn, giá cả hợp lý. Cá được tẩm ướp gia vị khá là ngon, thịt cá mềm, lòng cá ăn giòn, bánh đa cũng giòn tan, thơm. Ăn kèm với mắm tôm được pha cũng rất ngon. Phục vụ nhanh, nhân viên nhiệt tình.
  • Chả Cá Anh Vũ: Số 116 K1 Giảng võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Quán rộng rãi, sạch sẽ, phục vụ chuyên nghiệp. Chả cá ngon, rất mềm và thơm, suất ăn vừa đủ. Giá cả hợp lý.

20. Đậu phụ làng Mơ

Đậu phụ là món ăn dân dã, phổ biến ở Việt Nam, nghề làm đậu phụ hầu như ở vùng miền nào cũng có, nhưng đậu phụ làng Mơ vẫn nổi tiếng hơn cả. Sở dĩ được gọi với cái tên là đậu mơ bởi đậu phụ được làm tại làng Mai Động (quận Hoàng Mai) trước đây thuộc Kẻ Mơ (gồm Hoàng Mai, Thanh Mai, Bạch Mai, Mai Động, Mơ Táo). Đối với người Hà Nội, đậu Mơ như một loại đặc sản vì nó khác hẳn với những loại đậu phụ thông thường khác: Đậu không nhũn nhưng ăn đủ mát, không chắc nhưng vẫn ngậy và béo. Bởi thế mà có câu:

Đậu Mơ chấm với mắm tôm

Ăn xong buổi sáng đến hôm lại thèm

Tại sao anh lấy được em

Vì mê Mai Động, vì thèm đậu Mơ

Đậu Mơ được làm khá đơn giản song để có đậu ngon thì phải tuân theo quy trình thủ công cầu kỳ. Đậu tương được ngâm từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, rồi xay lấy nước cốt, đem nấu đến chín. Đây là khâu quyết định chất lượng của đậu phụ, bởi đậu chín non hay quá lửa đều không đạt chất lượng.

Nước đậu khi chín tới được đổ ra chum đất lớn, để nguội bớt rồi cho thêm nước chua làm kết tủa đậu tương thành dạng bánh, thường gọi là “óc đậu”. Người làm đậu dùng một chiếc thìa hình tròn, đáy lõm vớt “óc đậu” cho vào chiếc khăn xô nhỏ, đặt vào khuôn gỗ.

Khi đậu vào khuôn thì chuyển sang ép khoảng ba mươi phút. Ép xong, dỡ đậu ra để nguội và bóc lớp “áo” vải xô. Lúc này, bìa đậu thành phẩm nóng hổi, chắc bánh, thơm ngon.

Đậu phụ Mơ ngay khi còn nóng có thể ăn luôn, chấm với mắm tôm, mắm tép hoặc nước mắm tỏi, rồi ăn kèm chút rau tía tô, kinh giới… Còn món đậu rán giòn được người Hà Nội biến tấu thêm một bước là ăn kèm với bún, đó chính là món bún đậu mắm tôm đã rất quen thuộc với các bạn.

Các bạn có thể thưởng thức đặc sản đậu Mơ ở làng Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội hoặc trong các siêu thị lớn.

21. Phở Hà Nội

Nhắc tới ẩm thực Hà Nội thì có lẽ không thể không nhắc đến phở. Phở có mặt khắp mọi nơi, các bạn có thể thưởng thức ở các nhà hàng sang trọng hay các quán ven đường… Ngoài phở bò còn có phở gà cũng rất ngon và hấp dẫn. Phở không chỉ là món ăn khi đói bụng, mà còn là món ăn gắn liền với những kỷ niệm thời thơ ấu, ăn hoài không thấy chán.

Điều quan trọng nhất làm nên vị ngon của món phở đó là nước dùng. Nước dùng của phở phải được ninh từ xương ống của bò và thêm gia vị, gừng, hành củ. Trước tiên, xương phải được rửa sạch, cạo hết thịt bám rồi cho vào nồi đun với nước lạnh. Lửa đun được bật lớn để nước sôi lên, khi nước đã sôi thì phải giảm bớt lửa và bắt đầu vớt bọt. Cứ làm như vậy liên tục cho đến khi nước trong và không còn cặn trong bọt nữa. Sau đó, điều chỉnh độ lửa sao cho nồi nước chỉ sôi lăn tăn để giữ cho nước khỏi bị đục và chất ngọt từ xương có đủ thời gian để tan vào nước.

Bát phở ngon phải có đủ vị: vị ngọt của xương bò, vị thơm của thịt vừa chín đến độ mà vẫn dẻo, không dai. Màu nước phở trong, bánh phở mỏng và mềm. Một nhúm bánh phở đã trần qua nước nóng rồi dàn đều trong bát, bên trên là những lát thịt thái mỏng, điểm mấy ngọn hành hoa, rau thơm cùng mấy nhát gừng và vài lát ớt mỏng. Tất cả hòa quyện tạo nên vị thơm ngon đặc trưng của món phở.

Các bạn có thể dễ dàng bắt gặp các quán phở ở mọi con phố, Loca giới thiệu 1 vài địa chỉ phở nổi tiếng của Hà Nội, nếu có dịp thì các bạn thử thưởng thức (đây là các quán phở nổi tiếng và có thương hiệu nên giá sẽ hơi cao so với các quán thông thường):

  • Phở Bát Đàn: Số 49 Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Là một trong những quán phở và ngon nhất tại Hà Nội, tuy nhiên về thái độ phụ vụ ở đây lại hơi tệ. Để có một bát phở, các bạn phải vất vả đứng xếp hàng ở quầy, sau đó tự bưng bát phở của mình và tự tìm chỗ ngồi. Tại đây, các phụ gia (chanh, ớt, muối, …) thường xuyên thiếu thốn, các bạn nên tự mình đi tìm tại các bàn xung quanh. Nếu không có cũng không nên hỏi nhiều, dễ bị ăn “chửi”. Thi thoảng vào ngày “mát zời”, mặc cho mọi người đang xếp hàng chờ đến lượt, chủ quán có thể dừng luôn, không bán với lý do đơn giản: “Mệt và cần nghỉ ngơi”. Nếu các bạn lười xếp hàng như mình ^^!, các bạn có thể ngồi các quán cafe gần đó, và nhờ họ đặt phở giúp và tất nhiên chi phí có tăng lên chút chút.
  • Phở Lý Quốc Sư: Số 336B Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Phở ở đây ngon, nước dùng của phở đậm đà và có nhiều loại phở bò cho khách lựa chọn từ phở tái, bò chín, hay tái nạm gầu…. tùy vào sở thích của từng người.
  • Phở Thìn: Số 13 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Giống như Phở Bát Đàn, Phở Thìn là một trong những thương hiệu lâu đời, nổi tiếng của phở Hà Nội. Quán trông khá cũ, nhìn bàn ghế, bát đũa, thìa không sạch sẽ, vệ sinh lắm. Bát phở rất nhiều hành, nước phở thơm và ngọt, thịt gân ăn thơm và nhiều. Gần đây nhất mình có đến ăn ở đây cảm nhận là phở không ngon giống như ngày xưa.
  • Phở bò vỉa hè Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Là hàng phở vỉa hè nên bát đũa cũng hết sức đơn giản và không có thìa. Khách một tay bưng bát, một tay dùng đũa và khi muốn uống nước thì dùng miệng húp sột soạt. Phở ở đây khá ngon, với thịt bò chín có đủ nạm và gầu, với hành lá chẻ và nhiều hành hoa. Do là phở vỉa hè nên họ chỉ bán hết nồi nước dùng là thôi, 5h chiều mở cửa và khoảng tầm 8h tối là hết hàng.
  • Phở gà ở Quán Thánh: Số 42 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Quán chỉ bán buổi sáng, đông khách, bình dân. Ngoài phở thường, có thể gọi chuyên biệt, phở cánh, đùi, phở nâu, trứng non, phao câu…

22. Bún chả Hà Nội

Đã đến Hà Nội thì chắc chắn các bạn sẽ không thể bỏ qua cơ hội được nếm thử những món ăn truyền thống của người Tràng An.

Loca sẽ giới thiệu với các bạn một món ăn rất quen thuộc nhưng cực kì hấp dẫn. Đó là món bún chả. Là người mê của các món nướng nói chung nên cứ nghĩ tới mùi thịt nướng là lại thấy thèm rồi.

Bún chả là món ăn không cầu kì, nhiều nguyên liệu như bún thang, không cần tỉ mẩn nấu nồi nước dùng cả ngày như món bún bò hay bún riêu cua. Chỉ đơn giản với một đĩa bún rối, một đĩa thịt nướng, vài cọng rau sống, và bát nước chấm là bạn hoàn toàn có thể thưởng thức được món ăn này vào bất cứ thời điểm nào trong năm.

Nét riêng của bún chả đó là bát nước chấm được pha từ mắm ngon, thêm đường, giấm chua nữa với đủ hương vị chua, cay, mặn, ngọt. Nếu bạn nào thích có thể cho thêm ớt cay hay một ít tỏi băm để thêm hương thêm vị.

Thứ đến là chả nướng được làm từ thịt lợn, gồm chả viên và chả miếng. Tùy theo khẩu vị mà gọi toàn chả miếng hoặc chả viên để ăn cùng bún. Chả viên được làm từ thịt nạc vai băm nhuyễn, ướp trộn với gia vị, vo thành viên tròn, đặt lên vỉ nướng. Chả miếng thường dùng thịt ba chỉ thái mỏng ướp gia vị tương tự chả viên và nướng vàng trên than củi.

Dưới đây là địa chỉ một số quán bún chả ngon ở Hà Nội, để các bạn tham khảo thêm:

  • Bún chả bọc lá chuối, không nước mắm: Số 23 Nguyễn Biểu, quận Ba Đình, Hà Nội. Là quán bún chả nổi tiếng từ lâu với thứ nước chấm không làm từ nước mắm mà được pha từ muối, nên nước trong và ít màu hơn nhưng bù lại chủ quán cho rất nhiều tỏi cùng cà rốt băm nhỏ. Điểm khác biệt giữa quán bún chả này với các quán khác đó chính là miếng thịt được bọc với lá chuối khi nướng, nên mùi vị thơm ngon hơn và dậy mùi hơn.
  • Bún chả Đắc Kim: Số 1 Hàng Mành/Số 67 Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Là một trong những quán bún chả nổi tiếng ở Hà Nội. Tuy nhiên quán khá nhỏ và chật chội, không vệ sinh lắm. Bát bún chả rất nhiều thịt gồm có chả miếng, chả viên và chả lá lốt, nước chấm cũng vừa miệng, nem cua bể ở đây ngon, mỗi tội giá quá đắt, một bát bún chả đầy đủ giá 60k/suất.
  • Bún chả que tre Hằng Nga: Ngõ Đồng Xuân, Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quán nằm khuất trong ngõ Đồng Xuân – một trong những ngõ ăn uống xôm tụ nhất khu phố cổ. Nước chấm ở đây rất đặc biệt, nó được pha từ giấm sấu, giấm me nên ăn mùi vị rất lạ và thơm ngon. Mỗi suất bún chả ngõ Đồng Xuân gồm 2 que chả miếng, 2 que chả băm lá lốt, giá cả hợp lý.

23. Bún thang – Nét tinh tế của người Hà Nội

Trong những món ăn mà bà tôi hay nấu, có lẽ món bún thang được xếp vị trí đầu tiên trong bảng danh sách những món ăn cầu kỳ và khó nấu nhất, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến khâu chế biến.

Nguyên liệu chính làm nên bát bún thang gồm: trứng gà tráng mỏng, lườn gà xé, giò lụa thái sợi cùng bún mềm sợi nhỏ, bún không được chần lâu. Ăn kèm bún thang còn có củ cải khô, nấm hương, hành hoa và rau răm thái nhỏ. Nuớc dùng phải là loại nước trong, ninh từ xương gà và tôm he. Các gia vị ăn kèm bún thang như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu… đặc biệt không thể thiếu chút mắm tôm và tinh dầu cà cuống, chỉ cần điểm chút vào, là bát bún sẽ dậy mùi thơm đặc biệt. Sự hấp dẫn của bún thang còn bởi màu sắc của nó, đó là màu vàng của trứng, phớt hồng của giò lụa, màu trắng của thịt lườn và màu vàng của da gà. Tất cả những nguyên liệu ấy, màu sắc ấy, được bày lên trên bát bún rối sợi nhỏ, làm nên một món ăn đầy đủ màu sắc và hương vị.

dac-san-ha-noi-25

Món này phải ăn nóng mới ngon, trứng, giò lụa phải cắt thật mỏng và lườn gà phải xé sợi nhỏ như vậy khi chan nước dùng nóng sẽ không bị trương, nói chung là rất đáng để thử.

Các bạn có thể thưởng thức món bún thang ở 1 số địa chỉ sau:

  • Bún thang Bà Đức: Số 48 Cầu Gỗ, Quận Hoàn Kiếm/Số 59 Hàng Lược, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Là hàng bún thang khá nổi tiếng và lâu đời ở Hà Nội. Một suất ở đây khá đầy đủ: trứng rán, giò thái sợi và củ cải thái mỏng, ăn kèm với thịt gà trắng mềm, nhưng hơi ít bún. Nước dùng của bún cũng tương đối đậm đà thêm vào đó một chút mắm tôm nữa thì mùi vị rất ngon. Buổi tối quán đông nên hết chỗ sớm.
  • Bún thang số 32 Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cũng là một trong số hàng bún thang có thâm niên ở Hà Nội. Bún khá ngon, nước dùng đậm đà và đầy đủ: gà, giò, mọc, trứng, nấm, hành… Tuy nhiên quán hơi chật, vỉa hè nhỏ, thường đông khách vào buổi trưa và buổi tối.
  • Bún thang số 11 Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bát bún ở đây đầy đặn, đủ vị với thịt gà, trứng tráng, giò lụa, nấm hương, củ cải dầm… và nước dùng dậy mùi thơm của xương gà ninh, của nấm hương và tôm he nên có vị ngọt dịu và rất đậm đà.
  • Bún thang số 11 Hạ Hồi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quán bình dân nhưng không xô bồ đông đúc như những quán khác. Quán có chỗ ngồi cả trong nhà lẫn mặt ngõ, rất thoáng đãng, mát mẻ. Bát bún cũng đầy đủ hương vị, nước dùng vừa miệng, củ cải khô không thái sợi mà để cả miếng dài, to, nhai sần sật, giòn giòn rất thú vị. Ngoài ra, quán còn bán cả bún bò, phở bò gà, nhưng có lẽ chỉ bún thang là đắt khách nhất.

24. Nem Phùng Đan Phượng – món ăn giản dị của làng quê

Nếu có dịp thăm thành cổ Sơn Tây thì các bạn đừng quên ghé qua thị trấn Phùng mua chút nem đặc sản về làm quà nhé. Tuy có vẻ ngoài không mấy khác biệt so với nem chạo hay bán ngoài chợ nhưng khi ăn thử, các bạn mới thấy được sự khác biệt, đó chính là sự bùi béo cùng mùi thơm đặc trưng của thính.

Nem Phùng là đặc sản nổi tiếng của thị trấn Phùng thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội. Nguyên liệu làm món nem này rất đơn giản, dễ kiếm gồm có thịt nạc, bì lợn, gạo tẻ, gạo nếp, lá sung. Nhưng để có những quả nem ngon thì đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và khéo léo của người chế biến. Thịt lợn chọn loại thịt mềm, cả nạc và mỡ, bên ngoài lớp bì được làm sạch sẽ. Gạo để làm thính cũng là loại gạo tẻ ngon, thêm một ít nếp cái hoa vàng, khi rang phải đều tay, nhỏ lửa thì thính mới thơm và dậy mùi được.

Thịt lợn được hấp cách thủy, sau đó vớt ra lọc lấy lớp bì riêng (thái chỉ nhỏ), thịt nạc riêng, mỡ riêng. Thịt sau khi thái con chì đem trộn đều với bì, thính gạo rang vàng thơm, nêm gia vị vừa miệng, rồi chia thành từng nắm nhỏ, có lá sung, lá ổi, sau đó gói lại vuông vắn bằng lá chuối, buộc lạt hồng điều rất đẹp mắt.

Ăn một miếng nem Phùng chấm với tương vàng hoặc tương ớt thấy đủ vị ngon ngọt, nhâm nhi thêm bằng vài cốc bia tươi, ngồi chém gió với bạn bè thì còn gì thích bằng. Chẳng thế mà người Phúng có câu:

Nem Phùng ăn với lá sung.

Để người tứ xứ nhớ nhung suốt đời

Ăn đặc sản nem Phùng ở đâu?

Theo quốc lộ 32 đến thị trấn Phùng huyện Đan Phượng, đi dọc tuyến phố chính là Nguyễn Thái Học, các bạn sẽ thấy ngay được các cơ sở làm Nem Phùng gia truyền nổi tiếng như: Nem Phùng Bà Hải Phở… nem Phùng Thái Cam, nem Phùng Bà Mắm, nem Phùng Hảo Cường…

Còn nếu ở Thủ đô Hà Nội, các bạn có thể tìm đến quán nem Phùng trong sân số 63 Hàng Bún, quận Ba Đình để thưởng thức nhé. Đây là quán nem gia truyền của dòng họ Bùi ở thị trấn Phùng, quán nằm trong sân chứ không có hàng quán, biểu hiệu như những chỗ khác, nên thường khách quen mới biết. Khi có khách ăn, quán mới bắt đầu trộn thính, vì vậy nem ăn rất thơm, bùi, vừa dai vừa giòn.

Các bà bầu chú ý nhé:  Cũng như các món nem cuốn khác, các bác sĩ đều khuyên bà bầu không nên ăn bởi trong nem có thịt tái, không tốt cho thai nhi.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *