Gợi ý mẫu phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Đăng ngày 25/01/2024

Bài thơ “ Sóng ” được Xuân Quỳnh sáng tác năm 1967, in trong tập “Hoa dọc chiến hào”, xuất bản năm 1968. Bài thơ là một trong số những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh khi viết về tình yêu. “Sóng” nói lên tình yêu mãnh liệt cũng như những tâm tư sâu kín, khát khao hạnh phúc cháy bỏng trong trong trái tim người thiếu nữ đang yêu.

Từ ngàn đời nay, tình yêu vẫn luôn là điều bí ẩn, là đề tài bất tận của thi ca. Nhiều thi sĩ nổi tiếng đã viết về tình yêu với tất cả sự nồng nhiệt trong trái tim tuổi trẻ. Cho đến khi “Sóng” ra đời, cái khát vọng tình cảm rất đỗi đời thường ấy của con người mới được thổ lộ, mà thổ lộ một cách chân thành như chính cuộc đời của tác giả vậy: một tình yêu vừa phong phú, phức tạp, vừa thiết tha sôi nổi của một trái tim phụ nữ đang khao khát yêu đương, rung lên đồng điệu với nhịp sóng biển.

Xuyên suốt bài thơ là hình tượng con sóng, một hình tượng ẩn dụ khơi gợi một hồn thơ phong phú, sôi nổi. Sóng còn là hóa thân của cái tôi trữ tình của nữ thi sĩ. Sóng và em tuy hai mà một, lúc phân đôi, soi chiếu vào nhau để nổi bật sự tương đồng của nhau, lúc lại hòa nhập tạo nên một âm vang mạnh mẽ. Thông qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã bộc bạch một cách khéo léo tâm trạng của người con gái với nhiều cung bậc cảm xúc khi yêu.

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Sóng là vậy đấy, khi “dữ dội”, “ồn ào” có thể phá tan tất cả nhưng rồi lại “dịu êm” đến “lặng lẽ”, cũng như con người ta khi yêu có rất nhiều trạng thái cảm xúc đan xen vào nhau. Vì sao lại như vậy ư? Sóng cũng “không hiểu nổi mình nữa Hai câu thơ sóng đôi, vừa đối lập, vừa bổ trợ cho nhau, khiến cho cảm xúc của cả bài thơ như tan ra, hòa vào lòng người đọc. Có lẽ người đọc sẽ hỏi vì sao lại như thế? Vô ích thôi, chính sóng cũng “không hiểu nổi mình” nữa. Nếu “sông không hiểu nổi” sóng, vậy thì nó sẽ từ bỏ nơi chật hẹp đó và “tìm ra tận bể”, đến với cái cao rộng, bao dung. Cũng như sóng, trái tim người con gái đang yêu không chấp nhận sự tầm thường, nhỏ bé, mà luôn vươn tới cái lớn lao để có sự đồng cảm, đồng điệu trong tâm hồn. Có thể nói đây là một tư tưởng rất tiến bộ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh thời bấy giờ.

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày nay vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

Một trong những đoạn thơ được yêu thích nhất trong bài thơ “Sóng”

“Sóng ngày xưa” thế nào thì sóng “ngày nay vẫn thế”. Tình yêu cũng giống như sóng, vẫn mãi trường tồn, vĩnh hằng với thời gian. Trong quan niệm của Xuân Quỳnh, khát vọng tình yêu dường như mãnh liệt nhất là của tuổi trẻ. Liệu rằng nỗi khát khao tình yêu xôn xao, rạo rực trong trái tim tuổi trẻ cũng chính là khát vọng muôn đời của nhân loại chăng? Tình yêu tràn đầy sức sống, làm trái tim “trong ngực trẻ” lúc nào cũng “bồi hồi”, thổn thức nhớ mong.

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”

Tình yêu đến, như một tâm lý hết sức tự nhiên và thường tình, người ta luôn có nhu cầu tự tìm hiểu và phân tích. Nhưng tình yêu vốn là một hiện tượng tâm lý đầy bí ẩn, khó có thể lí giải một cách rõ ràng. Một nhà thơ cổ điển Pháp từng nói: “Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi”. Nữ thi sĩ của chúng ta cũng vậy, bà bộc bạch một cách hồn nhiên, hết sức dễ thương.

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?”

Vậy là tuy đã ra đến bể, sóng vẫn chưa hiểu nổi mình, “em” cũng chưa hiểu được “em”. “Em” yêu anh từ khi nào? Từ cái gì? Ánh mắt? Nụ cười? Giọng nói? Câu thơ “Em cũng không biết nữa” thể hiện sự hồn nhiên của người con gái. Biết trả lời sao đây, bởi tình yêu cũng như sóng biển, như gió trời vậy thôi, làm sao ta có thể hiểu hết được, chỉ cần biết ta yêu nhau là đủ.

Ai đã và đang yêu, hẳn cũng hiểu được tình yêu thường gắn liền với nỗi nhớ. Nó không phải nỗi nhớ bình thường mà là nỗi nhớ “thường trực”. Yêu say đắm thì nhớ thiết tha. Nỗi nhớ của một trái tim đang yêu đã được nhà thơ miêu tả thật mãnh liệt và hết sức tài tình. Một nỗi nhớ cồn cào, dạt dào như những đợt sóng biển triền miên, mãi chẳng dừng. Suốt cả bài, nhịp thơ là nhịp sóng. Ban đầu chỉ là những cơn sóng nhỏ vỗ nhẹ vào bờ, dần dần, con sóng mỗi lúc một mạnh mẽ, và rồi như một lẽ tất yếu, cơn sóng như nỗi nhớ, bỗng cuộn trào mãnh liệt:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

Sóng trên mặt nước dù lớn vẫn có thể lựa chiều mà vượt, chứ sóng dưới lòng sâu kia âm thầm khó biết mới thực sự dữ dội. Nhưng dù “trên mặt nước” hay “dưới lòng sâu”, con sóng đều có bờ. Bờ là đích đến của sóng, là đối tượng để sóng vỗ về, để đi đâu cũng nhớ mong:

“Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được”

Thật tự nhiên và thơ mộng, con sóng nhớ bờ nên ngày đêm sóng vỗ, thao thức với thời gian và đại dương. Cũng giống như sóng nhớ bờ, như thuyền nhớ bến, lúc nào người con gái cũng bồi hồi nhớ thương:

“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

Nỗi nhớ có cái hiểu hiện ra bên ngoài, có cái ẩn chứa tận sâu trong đáy lòng. Và Xuân Quỳnh đã diễn tả nỗi nhớ ấy là một nỗi nhớ rất đỗi nghệ thuật. Nỗi nhớ ấy thường trực trong mọi không gian và thời gian, không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn len lỏi vào tiềm thức, xâm nhập vào cả trong giấc mơ. Khi thức, em nhớ đến anh là điều rất đỗi bình thường. Nhưng ở đây, trong mơ em vẫn nhớ thì đây là một nỗi nhớ da diết, khắc khoải. Khao khát được yêu thương của người con gái bộc lộ thật mãnh liệt nhưng cũng thật tự nhiên: sóng chỉ khao khát tới bờ, cũng như em khao khát có anh. Ở đây, tình yêu của người con gái được thể hiện không chỉ chân thành, tha thiết, mà còn rất trong sáng, thủy chung. Mượn hình tượng sóng và em, nhà thơ Xuân Quỳnh đã nói lên tiếng nói từ trái tim mình một cách chân thành, táo bạo, không hề giấu diếm cái khát vọng tình yêu sôi nổi của mình, một điều hiếm thấy trong văn học Việt Nam trước đó.

Những khổ thơ trước đó, nhân vật trữ tình gửi tâm tư của mình vào sóng, nhờ lời của sóng để che giấu tâm trạng mình. Nhưng đến đây, nữ thi sĩ đã trút bỏ cái vỏ bọc ấy, để cho con tim tự thốt nên lời. Trái tim người con gái ấy không còn vòng vo, úp mở nữa mà đòi hỏi được tự do nói lên tiếng nói của mình, bởi nó đang tràn đầy tình yêu dành cho anh và tình cảm ấy cũng đã chín:

“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương” 

Người ta thường nói xuôi vào Nam, ngược ra Bắc, nhưng ở đây, tác giả lại dùng ngược lại, thể hiện nỗi nhớ ấy bất chấp vạn vật, khoảng cách. Và tình yêu chính là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn không có giới hạn. Ở trên, tác giả đã cho ta thấy, với thời gian, nỗi nhớ không có ngày đêm. Đến khổ thơ tiếp theo, nỗi nhớ ấy còn chẳng có phương hướng nào trong không gian cả. Không gian có bốn phương, Đông, Tây, Nam, Bắc nhưng tình yêu thì chỉ có một phương duy nhất mà thôi. Và đó chính là anh.

Nhà thơ Xuân Quỳnh viết bài thơ “Sóng” vào năm 1967, khi bà đã từng nếm trải đổ vỡ trong tình yêu. Song, người phụ nữ hồn nhiên, tha thiết yêu đời ấy vẫn ấp ủ biết bao hi vọng, vẫn mãnh liệt tin vào tình yêu, tin vào hạnh phúc trong tương lai:

“Ở ngoài kia đại dương

Trăm nghìn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vàn cách trở”

Tình yêu dù đẹp là thế, mãnh liệt là thế, trong sáng lãng mạn là thế nhưng cũng không tránh khỏi những cuộc bể dâu của đời thường. Bởi thế, những người yêu nhau ngoài tình cảm, sự say mê còn phải có đủ nghị lực, lý trí để vượt qua thử thách, bão tố của cuộc đời, với niềm tin cuối cùng sẽ tới đích. Ba từ “Ở ngoài kia” như cánh tay mềm mại của Xuân Quỳnh đang chỉ về khơi xa, nơi trăm ngàn con sóng đang không quản ngày đêm, vượt qua giới hạn không gian thăm thẳm với muôn vàn cách trở để hướng vào bờ vỗ về yêu thương.

Không chỉ là động viên, an ủi, nhà thơ còn muốn cho người đọc thấy niềm tin chắc chắn vào cái đích cuối cùng của một tình yêu lớn nhất định sẽ “tới bờ”, “dù muôn vàn cách trở”. Đừng vì một chút khó khăn đã khép mình, tương lai hạnh phúc vẫn đang còn chờ ta ở phía trước kia mà. Như Xuân Quỳnh đã thể hiện, thời gian cũng chẳng làm bà lo lắng, ngược lại còn tăng thêm, củng cố niềm tin của bà:

“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa”

Mọi giông tố rồi sẽ qua đi, “cuộc đời”, “năm tháng” và “mây” cứ bay mãi về nơi xa xăm, vô định. Tình yêu cũng vậy, vì nó bao giờ cũng gắn liền với một con người cụ thể, với cái hữu hạn của đời người. Vậy làm thế nào để có thể vươn ra ngoài giới hạn đó? Chỉ còn một cách là hòa tan tình yêu vào thiên nhiên để hàng ngàn năm sau, những con sóng vẫn cất cao lời ngợi ca tình yêu bất diệt:

“Làm sao được tan ra, 

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”

Cuối cùng sóng đã nói hộ nhà thơ nỗi khát vọng được sống trọn vẹn trong tình yêu. Tình yêu lứa đôi đẹp đẽ, nồng nàn như trăm ngàn con sóng nhỏ giữa đại dương mênh mông, muốn được hòa nhịp vào biển lớn của tình yêu cộng đồng.

Người con gái mong muốn được hòa mình vào cuộc đời rộng lớn, để ngập chìm trong “biển lớn tình yêu”. Khát vọng tình yêu dường như cũng chính là khát vọng sống mãnh liệt đủ đầy. Còn có tình yêu thì cuộc đời còn tươi đẹp và đáng sống, đó là một niềm hạnh phúc. Và dường như đó không chỉ là mong ước được sống mãi trong tình yêu, được bất tử trong tình yêu, mà còn là âm vang của một tấm lòng luôn tha thiết với sự sống, với tình yêu của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh.

“Sóng” là bài thơ tình rất giàu giá trị nội dung và nghệ thuật. Bằng những thủ pháp nghệ thuật như nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, đối lập…đặc biệt là thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu, tất cả đã thể hiện được những gì tinh tế nhất, đẹp nhất của tâm hồn người phụ nữ, một trái tim nhạy cảm luôn khao khát yêu thương. Nhịp điệu của sóng, nhịp điệu của tâm hồn đã làm hiện lên một vẻ đẹp rất nữ tính của Xuân Quỳnh, một vẻ đẹp giàu lòng trắc ẩn và suy tư.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *